Table Of Contents

Tin tức

Q&A Webinar: Thuế TNCN 2022 – Nghĩa vụ quyết toán thuộc về cá nhân hay doanh nghiệp?

2023-03-27

url-copy

Ngày 23/02/2023 vừa qua, terra đã tổ chức Webinar với chủ đề “Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 2022 – Nghĩa vụ quyết toán thuộc về cá nhân hay doanh nghiệp?” với hơn 700 lượt đăng ký và gần 400 doanh nghiệp, anh/chị nhân sự và người lao động tham dự.

Tại buổi Webinar này, Chị Đặng Thị Quỳnh Như và Chị Nguyễn Thị Ngọc – Chuyên viên cấp cao của terra đã có những chia sẻ vô cùng thiết thực về những nội dung liên quan đến thuế TNCN như:

– Những kiến thức cơ bản về thuế TNCN

– Hồ sơ và những lưu ý khi quyết toán thuế TNCN cho doanh nghiệp

– Hồ sơ và những lưu ý khi quyết toán thuế TNCN cho cá nhân

– Giải đáp các thắc mắc trong quá trình quyết toán thuế TNCN

Xem lại Webinar: “Thuế TNCN 2022 – Nghĩa vụ quyết toán thuộc về cá nhân hay doanh nghiệp?” TẠI ĐÂY.

Suốt thời gian diễn ra Webinar và khi Webinar kết thúc, terra nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến chủ đề thuế TNCN. Để giúp doanh nghiệp và người lao động tích lũy thêm nhiều kiến thức và chuẩn bị thật tốt cho kỳ quyết toán sắp tới, đội ngũ terra đã tổng hợp câu trả lời của những câu hỏi trên thông qua bài viết dưới đây.

 

“Người lao động (NLĐ) công ty muốn đăng ký người phụ thuộc cho mẹ vợ (ngoài độ tuổi lao động) có cần giấy xác nhận thu nhập không ạ? Vì khi NLĐ liên hệ lên  nơi cư trú xin xác nhận, ủy ban phường không đồng ý cấp.”

Trả lời: Ngoài hồ sơ chứng minh NPT theo Điểm g Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC NLĐ phải cam kết và tự chịu trách nhiệm về việc người phụ thuộc không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá một triệu đồng.

 

“Công ty mình có trường hợp kế toán tính nhầm lương cho NLĐ, sau đó NLĐ đã nghỉ nhưng chưa hoàn lại khoản tiền lương bị chênh lệch. Vậy trong kỳ quyết toán thuế này, mình sẽ kê khai phần chi trả lương của nhân viên bị tính sai này như thế nào ạ?”

Trả lời: Công ty cần kê khai lại theo số liệu chính xác. Còn các công tác liên quan giữa công ty và người lao động thì doanh nghiệp giải quyết trong nội bộ.

 

“Trong năm 2022, bên em có đăng ký người phụ thuộc cho người lao động qua trang thuedientu nhưng hiện tại có quy định về việc nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan thuế. Vậy đối với những hồ sơ đã nộp trong năm 2022, bên em có cần nộp bổ sung trước khi nộp tờ khai quyết toán không ạ? Đối với hồ sơ và thủ tục hoàn thuế liên quan đến việc cá nhân ủy quyền quyết toán thuế cho doanh nghiệp, trong năm bên em phát sinh tờ khai bổ sung thuế TNCN thì có cần lưu ý gì khi lên tờ khai quyết toán thuế TNCN không ạ? nhờ terra hướng dẫn giúp em.”

Trả lời: Với câu hỏi đầu tiên, đối với những hồ sơ đã nộp trong năm 2022 (thành công), không cần nộp bổ sung cho cơ quan thuế. Và với câu hỏi thứ hai, khi lên tờ khai quyết toán thuế TNCN năm thì sẽ kê khai số liệu dựa trên tờ khai bổ sung thay cho tờ khai lần đầu.”

 

“1 người có 2 mã số thuế (MST), 1 MST theo chứng minh nhân dân (CMND), 1 MST theo căn cước công dân (CCCD), nhưng MST theo CMND bị sai tên thì có cần hủy MST theo CMND không ạ?”

Trả lời: Khi người lao động có 2 MST thì:

– Đầu tiên cần hủy MST thứ 2 (theo CCCD). 

– Làm hồ sơ để thay đổi thông tin MST (thay đổi thông tin bị sai tên) đồng thời update số CCCD cho MST theo CMND đó. 

– Mẫu hồ sơ cho các vấn đề trên là: 

   + Hủy MST thứ 2 theo CCCD: mẫu 24/ĐK-TCT

   + Thay đổi thông tin của MST (sửa tên và cập nhật CCCD): mẫu 08-MST 

   + Kèm theo bản photo CCCD  

 

“Mẫu ủy quyền quyết toán thuế mới có nội dung ” trường hợp nhiều người lao động tại cùng tổ chức đó thì lập mẫu này kèm theo danh sách ủy quyền quyết toán thuế TNCN”, nghĩa là lập danh sách, ký tên vào danh sách, chứ không cần mỗi người mỗi tờ ủy quyền đúng không ạ, vì như vậy việc lưu trữ sẽ giảm tải? 

Người lao động không phát sinh thu nhập chịu thuế, nghĩa là mức lương dưới 11 triệu đồng, thì có phải kê khai trong hồ sơ quyết toán thuế không? Xin cảm ơn.

Trả lời: Với câu hỏi thứ nhất, tổ chức, doanh nghiệp không cần tạo giấy tờ ủy quyền cho mỗi cá nhân, chỉ cần lập danh sách ủy quyền. Với câu hỏi thứ hai, mức lương 11 triệu đồng thì không thể không phát sinh Thu nhập chịu thuế, bạn chỉ không phát sinh Thu nhập tính thuế thôi bạn nhé.

Công thức như sau:

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản miễn thuế (trong trường hợp này thì mức lương 11 triệu đồng chính là Thu nhập chịu thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ (giảm trừ bản thân, giảm trừ NPT, giảm trừ tiền đóng BHXH)

→ Vậy nên vẫn khai hồ sơ quyết toán như bình thường.

“Chào BTC, cho em hỏi trường hợp NLĐ đủ điều kiện ủy quyền quyết toán thuế, bên em thuộc tổ chức phi chính phủ (NGO) (số ngày làm việc < 14 ngày, không đóng BHXH). Vậy em vẫn kê khai vào PL 05-1 và để trống chỉ tiêu bảo hiểm, việc đó hoàn toàn bình thường đúng không ạ? Em xin cảm ơn phản hồi từ chương trình.”

Trả lời: Đúng rồi bạn nhé.

 

“Trường hợp NLĐ có nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc (NPT) cho mẹ đẻ (đã ngoài tuổi lao động và có giấy xác nhận của địa phương thu nhập dưới 1 triệu đồng/ tháng), nhưng không được cấp mã cho NPT này thì sẽ xử lý như thế nào ạ?”

Trả lời: Không có lý do không cấp MST cho trường hợp này. Thuế chỉ có thể trả kết quả từ chối vì lý do không cấp là gì (kê khai sai thông tin trong tờ khai, kê sai trùng người phụ thuộc,…). Bạn có thể gọi lên Chi cục thuế/ Cục thuế quản lý để hỏi lý do nhé.

 

“Hồ sơ đăng ký NPT năm 2023 phải nộp 1 bản lên cục thuế đúng không ạ? Mình có thể scan nộp online không, hay bắt buộc phải nộp bản giấy ạ?

Và nếu công ty cũ không cắt kịp người phụ thuộc cho người lao động trong tháng 2, đến tháng 3 họ mới cắt cho người lao động, vậy tháng 3 công ty mới đăng ký người phụ thuộc lùi từ tháng 2 được không ạ?”

Trả lời: Theo quyết định 40 của bộ tài chính ban hành 13/01/2023, hồ sơ đăng ký NPT chỉ cần nộp hồ sơ cho công ty thôi bạn nhé.

Công ty cũ không cắt kịp NPT cho người lao động trong tháng 2, tuy nhiên nếu qua tháng 3 công ty cũ của bạn đã báo giảm NPT 02.2023 thì qua công ty mới bạn sẽ được đăng ký lùi từ tháng 02.2023.

 

“Các bạn cho mình hỏi lương thử việc có phải khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân hay không và khi quyết toán thuế kê vào bảng kê nào ạ? Với người lao động nghỉ việc trước 31/12 thì có được ủy quyền quyết toán thuế TNCN không ạ?”

Trả lời: Theo điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

– Người lao động ký hợp đồng thử việc sẽ bị khấu trừ 10% tiền lương thử việc. 

 

“Đăng ký người phụ thuộc (NPT) thành công là như thế nào ạ? Tổng thu nhập chịu thuế trên tờ khai quyết toán thuế là tổng thu nhập chịu thuế đã trừ phụ cấp điện thoại đúng không ạ? Vì trong phần khấu trừ em chỉ thấy thể hiện giảm trừ BHXH, chứ không có trừ phụ cấp điện thoại ạ. 

Đối với đăng ký NPT cho NLĐ, nếu NLĐ đó làm việc từ lâu rồi, thì hằng năm có cần đăng ký NPT lại không ạ, hay nếu không báo giảm NPT thì chúng ta vẫn kê khai như thế thôi ạ?”

Trả lời:

Với câu hỏi đầu tiên, khi đăng ký NPT, bạn lên thuedientu vào mục tra cứu thông báo sẽ thấy tờ khai NPT và kiểm tra trong file trả về thể hiện việc đăng ký có thành công hay không. 

Với câu hỏi thứ hai, tổng thu nhập chịu thuế đã trừ khoản phụ cấp điện thoại. Vì khoản phụ cấp điện thoại là một loại phụ cấp miễn thuế đúng với quy định, lương thưởng, chức vụ tại công ty. 

Với câu hỏi thứ ba, không cần đăng ký lại NPT nếu như chỉ làm tại 1 công ty. Nếu chuyển công ty thì người lao động sẽ phải kê đăng ký thay đổi NPT để chuyển NPT từ công ty cũ sang công ty mới. 

 

“Cho mình hỏi NLĐ không làm việc đủ 12 tháng, nhưng đủ điều kiện ủy quyền vậy chỉ tiêu giảm trừ bản thân và NPT nếu có mình tính theo 12 tháng hay theo số tháng thực tế?”

Trả lời: Số liệu giảm trừ bản thân (11 triệu/tháng) thì tính cho cả năm là 132 triệu đồng, số liệu giảm trừ gia cảnh thì áp dụng từ thời gian đăng ký thành công trên tờ khai.

 

“Em muốn hỏi người lao động muốn biết công ty đã quyết toán thuế và đăng ký người phụ thuộc cho người lao động chưa thì người lao động phải kiểm tra như thế nào?”

Trả lời: NLĐ có thể tải ứng dụng etax trên điện thoại để kiểm tra những thông tin trên.

 

“NLĐ vào làm việc từ T6/2022, từ T1-T5/2022 NLĐ không có đi làm và không có thu nhập. NLĐ ủy quyền cho công ty hiện tại quyết toán TNCN năm 2022, cho mình hỏi trường hợp này phần giảm trừ gia cảnh (11 triệu đồng/tháng) cho bản thân NLĐ từ T1-T5/2022 có được tính để làm quyết toán không hay chỉ tính giảm trừ từ T6-T12/2022 ạ?

Và NLĐ đã có số CCCD nhưng trên hệ thống thuế chưa cập nhật số CCCD mới dẫn đến việc không tra cứu được MST qua số CCCD mà phải qua số CMND cũ. Vậy cho mình hỏi, với trường hợp này thì mình sẽ ghi số CCCD mới hay số CMND cũ vào mục 11 của Chứng từ khấu trừ thuế TNCN?”

Trả lời: Với câu hỏi thứ nhất, số liệu giảm trừ bản thân (11 triệu/tháng) thì tính cho cả năm là 132 triệu đồng. Với câu hỏi thứ hai, bạn kê file form 05-ĐK-TH-TCT  để cập nhật số CCCD cho MST đó của NLĐ.

“Mình có câu hỏi về việc hoàn thuế TNCN cho CBNV đủ điều kiện ủy quyền quyết toán cho doanh nghiệp: Hồ sơ để hoàn thuế cho NLĐ gồm những gì? (gồm hồ sơ quyết toán thuế TNCN: giấy ủy quyền quyết toán, đăng ký NPT, bản QT in từ KTKK). Doanh nghiệp bù trừ tiền thuế TNCN được hoàn với số thuế TNCN phải nộp ở các kỳ thuế tháng/ quý tiếp theo có được không? Và cần hồ sơ gì không? 

Cho mình hỏi có trường hợp khi đăng ký MST cho NPT nhưng do sơ xuất nên nhập thông tin tên NPT bị sai và vẫn được cấp mã thành công. Khi rà soát quyết toán thuế TNCN doanh nghiệp mới phát hiện ra thì cần phải làm hồ sơ gì để điều chỉnh thông tin đúng NPT cho cơ quan thuế?”

Trả lời:

Với câu hỏi đầu tiên, nếu NLĐ đã ký giấy ủy quyền quyết toán thuế thì cty có thể hoàn vào lương cho nhân viên. Và công ty có quyền cấn trừ cho kỳ thuế TNCN tiếp (chỉ có thể cấn trừ vơi cùng loại thuế)

Với câu hỏi thứ hai, trường hợp này phải điều chỉnh bằng hồ sơ giấy. Bạn điền form 08-MST (Thay đổi thông tin đăng ký thuế) với thông tin cũ là tên NPT bị sai và thông tin mới là tên đúng của NPT, gửi thư về cục thuế/chi cục thuế quản lý. 

 

“Nếu lương tháng 1 nhưng ngày chi trả lương là 10/2 chẳng hạn thì bảng lương cần lấy từ bảng lương tháng 12 đến tháng 11 năm này. Nhưng mà kế toán khai báo đúng tháng là tháng 1 – 12 thì mình lấy bảng theo kế toán phải không ạ?

Trong năm mình chuyển đổi công việc từ công ty cũ sang công ty mới thì công ty cũ và công ty mới phải gửi cho mình chứng từ thuế để mình tự đi quyết toán phải không ạ?

Trường hợp công ty viết sai chứng từ thuế năm 2021 cho NLĐ, NLĐ yêu cầu viết lại đúng nhưng họ lại làm mất liên chứng từ thuế bản gốc đã được nhận. Bây giờ công ty viết lại thì viết điều chỉnh lệch hay viết mới, và nếu không có bản gốc NLĐ nộp lại công ty thì công ty có được xuất không ạ?

Mình có bắt buộc lập chứng từ thuế TNCN cho tất những người không ủy quyền quyết toán hay là ai yêu cầu thì mình xuất thôi ạ?”

Trả lời:

Với câu hỏi đầu tiên, khi bảng lương tháng 1 được chi trả vào tháng 2 thì đây là PIT tháng 2. Vì thực tế tháng 2 mới chi trả và có phát sinh trong tháng 2. Ví dụ khi kê khai quyết toán thuế TNCN năm 2022 sẽ lấy bảng lương từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2022. 

Với câu hỏi thứ hai, trong 1 năm dương lịch có phát sinh thu nhập từ 2 công ty trở lên thì cá nhân đó sẽ phải tự quyết toán thuế TNCN năm. Vì vậy mà 2 công ty đó sẽ gửi cho người lao động chứng từ khấu trừ thuế và thư xác nhận thu nhập năm dương lịch đó. 

Với câu hỏi thứ ba, trong trường hợp người lao động làm mất chứng từ khấu trừ thuế mà công ty cung cấp thì sẽ không được công ty gửi lại tờ thứ 2. 

Và với câu hỏi thứ tư, khi không ủy quyền quyết toán tức là họ sẽ phải tự quyết toán cá nhân. Vì vậy công ty bắt buộc phải xuất chứng từ khấu trừ thuế để người lao động có số liệu cung cấp và làm bằng chứng cho cơ quan thuế.

 

“Trường hợp NLĐ có 2 người phụ thuộc từ tháng 1-12/2022, 1 người phụ thuộc từ tháng 3-12/2022 (con ruột, sinh tháng 3/2022) bên bảng 05-3/BK thì mình sẽ thể hiện như thế nào ạ?”

Trả lời: Bạn kê khai mỗi người phụ thuộc là 1 dòng với cùng thông tin tên họ, MST của người nộp thuế.

 

“Trường hợp con của NLĐ đã học xong đại học, sau đó con của NLĐ học tiếp sau đại học và chỉ học buổi tối hoặc cuối tuần, không học hết tuần như văn bằng 1 và không có thu nhập thì NLĐ có được đăng ký người con đó là người phụ thuộc nữa không ạ?” 

Trả lời: Theo Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì người phụ thuộc gồm những đối tượng:

Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.

→ Trường hợp con của NLĐ đủ điều kiện để đăng ký người phụ thuộc.

 

“Nếu NLĐ đủ điều kiện ủy quyền – quyết toán dù ko làm việc đủ 12 tháng trong năm thì khi kê khai vẫn được tính giảm trừ 132 triệu đồng. Vậy người phụ thuộc của NLĐ đó có được tính giảm trừ cùng cho cả năm hay không?”

Trả lời: Đối với thời gian tính giảm trừ người phụ thuộc thì kê khai số liệu đúng với thời gian công ty đã đăng ký.

Ví dụ: 

– Đã đăng ký người phụ thuộc thành công với thời gian giảm trừ từ tháng 12/2021, trong quyết toán năm 2022 thì kê khai giảm trừ từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2022 (kê khai trong kỳ thuế hiện tại): 4,4 triệu *12 tháng

– Đã đăng ký NPT thành công từ tháng 4/2022 và hiện tại vẫn còn làm: 4,4 triệu * 9 tháng

– Đã đăng ký NPT thành công từ tháng 4/2022 và nghỉ việc tại tháng 9/2022: 4,4 triệu * 6 tháng

 

“Em thử việc tại 1 công ty thì công ty cũng có đóng TNCN cho em. Đang trong thời gian thử việc thì em không làm việc tại đây nữa. Vậy em phải tự quyết toán thuế đúng không? Hợp đồng thử việc của em có thời hạn 2 tháng.”

Trả lời: Khi NLĐ có nguồn thu nhập trong năm từ 2 nơi trở lên thì sẽ tự thực hiện quyết toán thuế TNCN.

Mình cần có chứng từ khấu trừ thuế từ công ty cũ để xác nhận phần thuế đã đóng để có thể thực hiện quyết toán.

 

“Mình mua bản khấu trừ thuế thu nhập cá nhân điện tử tháng 2/2023 thì có xuất chứng từ cho nhân viên năm 2022 không?”

Trả lời: Có thể xuất lại chứng từ cho nhân viên từ các năm trước, tuy nhiên thời gian xuất phải liên tục, tức là thời gian của năm 2023.

 

“Tôi làm quyết toán thuế cho năm 2021 từ năm nay có được không?”

Trả lời: Được. Trong trường hợp người lao động đóng dư thuế sẽ không có vấn gì vì thời hạn hoàn thuế là 5 năm. Nhưng nếu khi quyết toàn lùi lại cho năm 2021 mà thiếu thuế thì người lao động sẽ phải đóng thuế tiền và lãi chậm nộp. 

 

“Cho mình hỏi nếu năm tài chính của công ty mình không phải kết thúc tháng 12 mà là tháng 3 thì mình quyết toán như nào?”

Trả lời: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC, kỳ tính thuế TNCN hàng năm chỉ áp dụng theo năm dương lịch, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12. Thời hạn quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

 

“Trường hợp trong 1 năm cá nhân đã làm 4 công ty, trong đó 2 công ty đã ký HĐLĐ và 2 công ty vẫn đang trong thời gian thử việc thì quyết toán thuế như thế nào?”

Trả lời: Thu nhập tại 2 công ty đã ký HĐLĐ sẽ được kê vào bảng 05-1_BK-TNCN; còn thu nhập tại công ty có thời gian thử việc sẽ được kê vào bảng 05-2_BK-TNCN.

 

Hy vọng phần tổng hợp các câu trả lời trên sẽ phần nào giải đáp được những vấn đề mà các doanh nghiệp, NLĐ đang mắc phải. Và cuối cùng, chân thành cảm ơn 2 diễn giả và đội ngũ terra đã hỗ trợ, cống hiến nhiệt tình và là những nhân tố quan trọng làm nên sự thành công của buổi Webinar vừa qua.

Để xem lại Webinar: Thuế TNCN 2022 – Nghĩa vụ quyết toán thuộc về cá nhân hay doanh nghiệp?, mời anh/chị đăng ký tại đây.

Back Button Trở về trang Tin tức

Từ khóa

Tin tức liên quan

Kết nối Facebook terra

Tìm hiểu thêm về terra

HOT LINE

HOTLINE
028 7102 0608
9:00 – 18:00, thứ 2 – thứ 6

FACEBOOK

Fanpage
Cung cấp các thông tin mới
nhất về terra và quản trị
nhân sự

YouTube

Kênh YouTube
Cung cấp các video hướng dẫn
sử dụng và thông tin quản trị
nhân sự

Thông tin liên hệ

Văn phòng Tp. Hồ Chí Minh

  • +84 28 7102 0608Ext: 101, 102
  • info@vina-payroll.com
  • Tầng 11, tòa nhà TNR Tower, 180 – 192
    Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn
    Thái Bình, quận 1

Văn phòng Hà Nội

  • +84 28 7102 0608Ext: 201
  • info@vina-payroll.com
  • P. 1206, Tầng 12, tòa nhà Indochina Plaza
    Hà Nội, 241 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng,
    quận Cầu Giấy